• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Điện Biên nỗ lực chuyển đổi số phục vụ sự phát triển
  • Thời gian đăng: 11/11/2024 04:51:43 PM - Lượt xem: 135
  • Với xuất phát điểm là tỉnh nghèo; tỷ lệ thiết bị bảo đảm kết nối, sử dụng các nền tảng số còn thấp; số hộ nghèo cao, tỷ lệ người dân có thiết bị thông minh còn thấp… vậy nhưng ngay khi triển khai Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa 14, nhiệm kỳ 2020-2025 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã dành sự quan tâm đặc biệt cho nhiệm vụ chuyển đổi số; coi chuyển đổi số là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng-an ninh…
  • Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ trực tiếp thực hiện các yêu cầu thủ tục hành chính điện tử tại phường Mường Thanh.
    Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ trực tiếp thực hiện các yêu cầu thủ tục hành chính điện tử tại phường Mường Thanh.

    Trao đổi thêm về sự quan tâm đặc biệt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dành cho nhiệm vụ chuyển đổi số, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên, cho biết: Là một trong số các nghị quyết được ban hành nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 01-NQ/BCH Đảng bộ tỉnh khóa 14, song Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 1/10/2021 về “Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” còn xác định rõ các khó khăn đặc thù. Đó không chỉ là vấn đề nguồn lực đầu tư hạ tầng chuyển đổi số mà còn là sự e dè của một bộ phận người dân, doanh nghiệp khiến họ không chủ động ứng dụng các tiện ích của chính quyền số, chuyển đổi số. Ở vùng sâu vùng xa, còn một bộ phận người dân không biết chữ, tái mù chữ, không biết tiếng phổ thông thì việc triển khai chuyển đổi số càng gặp khó khăn hơn rất nhiều.

    Song, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ, là động lực quyết định sự phát triển toàn diện của Điện Biên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định ban hành riêng nghị quyết về chuyển đổi số với 22 mục tiêu và 8 nhóm giải pháp.

    Điện Biên nỗ lực chuyển đổi số phục vụ sự phát triển ảnh 1

    Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên kiểm tra việc quản lý, vận hành hệ thống camera giám sát tại Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Điện Biên.

    Thực hiện Nghị quyết 13, Ban Cán sự Đảng ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trên địa bàn. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 3179/QĐ-UBND ngày 1/12/2021 phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Cải cách hành chính Nhà nước, Chuyển đổi số và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

    Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên còn quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong chuyển đổi số. Đó chính là việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong đơn vị; người đứng đầu phải tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số, lấy kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số là tiêu chí đánh giá xếp loại và thực hiện công tác cán bộ.

    Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, sự vào cuộc đồng bộ từ các sở, ban, ngành nên dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, do giao thông cách trở song các giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số đều được triển khai đồng thời, nhịp nhàng. Để thúc đẩy và nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, toàn tỉnh đã thành lập hơn 1.400 tổ công nghệ số cộng đồng cấp huyện, cấp xã và cấp thôn, bản với sự tham gia của hơn 10.000 thành viên là lãnh đạo ủy ban nhân dân xã, đại diện các hội, đoàn thể, giáo viên và cán bộ chủ chốt thôn, bản. Tại các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đầu tư máy móc, phương tiện, nhân lực đảm bảo duy trì hoạt động phục vụ phát triển chính quyền số, bảo đảm thông suốt các cấp chính quyền.

    Điện Biên nỗ lực chuyển đổi số phục vụ sự phát triển ảnh 2

    Công an huyện Tuần Giáo hướng dẫn nhân dân thực hiện các bước xác thực điện tử theo nội dung Đề án 06.

    Ở các huyện vùng cao, biên giới nhiều khó khăn, như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông… đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số; kêu gọi, vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ chuyển đổi số. Đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ, nói rằng: Ngoài việc giao nhiệm vụ đến từng phòng, ban và cấp ủy, chính quyền các xã tuyên truyền mục tiêu, lộ trình chuyển đổi số đến nhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy còn giao trách nhiệm cho 121 tổ dân vận trong huyện. Theo đó, cuối mỗi tuần về với nhân dân thì từng thành viên của 121 tổ dân vận đều chủ động hướng dẫn nhân dân cách sử dụng thiết bị kết nối internet để truy cập, tìm hiểu các thủ tục hành chính được công khai. Việc tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân đến các điểm làm căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia theo nội dung Đề án 06 tại Nậm Pồ cũng được thành viên các tổ dân vận cơ sở tích cực hỗ trợ. Nhờ đó, Nậm Pồ đạt nhiều kết quả trong thực hiện chuyển đổi số.

    Đánh giá kết quả thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuyển đổi số mà Điện Biên đã nỗ lực thực hiện trong 3 năm qua, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết: Bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Điện Biên tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số và đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2021 tỉnh Điện Biên được xếp thứ 37/63; năm 2022 xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số. Đối chiếu với các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ, thì đến thời điểm này (11/2024) Điện Biên đã đạt và vượt 17/22 chỉ tiêu, gồm: tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh; tỷ lệ văn bản điện tử của cơ quan, đơn vị được trao đổi, liên thông trên môi trường mạng; tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; tỷ lệ hồ sơ công việc cơ quan, đơn vị được xử lý trên môi trường mạng (cấp tỉnh, huyện, xã) đều đạt; tỷ lệ cuộc họp, hội nghị có thể thực hiện trên môi trường mạng; tỷ lệ cuộc họp 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) được thực hiện trực tuyến; tỷ lệ chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện trên hệ thống thông tin, báo cáo của tỉnh; tỷ lệ hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thường xuyên được giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kiến thức, kĩ năng số cơ bản; đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia chuyển đổi số; số dịch vụ đô thị thông minh được triển khai trên địa bàn; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; số doanh nghiệp công nghệ số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử; tỷ lệ người dân được tiếp cận, sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường).

    Như vậy, các kết quả đạt được trong chuyển đổi số của Điện Biên như đề cập nêu trên là minh chứng cho thấy sức lan tỏa Nghị quyết 13 Chuyển đổi số trong mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội. Điều đó tác động tích cực, toàn diện kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ là động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Điện Biên.

  • Nguồn tin: nhandan.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng