• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Điện Biên đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của tỉnh
  • Thời gian đăng: 07/12/2022 04:30:08 PM - Lượt xem: 2746
  • Năm 2021 là năm thứ 2 Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá chỉ số chuyển đổi số của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, tổng số điểm DTI tỉnh Điện Biên đạt 334,5 điểm, đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 bậc so với năm 2020). Do đó, để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, Điện Biên đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương chủ trì thực hiện hiệu quả các chỉ số chính, chỉ số thành phần của Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh...
  • v.png

    Trong ảnh lãnh đạo Sở Giáo dục -  Đào tạo, Sở Thông tin - Truyền thông, Đoàn thanh niên tỉnh Điện Biên ký kết hợp tác phát triển thông tin truyền thông và chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025.

    Trong xây dựng chính quyền số, các ngành, các cấp tỉnh đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý, điều hành. Nổi bật, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số được đẩy mạnh, nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi; sử dụng văn bản điện tử thay thế cho văn bản giấy tại các kỳ họp HĐND tỉnh, các cuộc giao ban trực tuyến.

    Tại các cơ quan, nhà nước của tỉnh hiện nay đã được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, cùng với đó tỉnh đã xây dựng nền tảng chia sẻ và tích hợp dữ liệu cấp tỉnh phục vụ phát triển ứng dụng chính quyền điện tử và kết nối với nền tảng tích hợp dữ liệu Quốc gia... Đây là một trong những giải pháp mà Điện Biên đẩy mạnh chính quyền điện tử, thông qua công tác chuyển đổi số.

    Tuy nhiên, Điện Biên là tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, 90% nguồn vốn của địa phương phụ thuộc vào Trung ương. Do đó khi triển khai công tác chuyển đổi số, có nhiều chỉ số thuốc nhóm chỉ số nền tảng chung; nhóm chỉ số hoạt động, tỷ lệ đạt được còn thấp như: thể chế số xếp hạng 59/63 tỉnh, thành phố, nhận thức số 53/63…

    Với những tồn tại đó, Điện Biên đã ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, trong đó, tỉnh xác định thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của tỉnh, nâng cao chỉ số DTI của tỉnh một cách bền vững; tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số cũng như chỉ số DTI của tỉnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cải thiện kết quả và thứ bậc xếp hạng chỉ số DTI của tỉnh. Bên cạnh đó, nỗ lực, tập trung cải thiện điểm các chỉ số thành phần; tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được ở những chỉ tiêu, chỉ số tăng điểm năm 2021; phấn đấu chỉ số DTI của tỉnh năm 2022 đạt 478.43 điểm; năm 2025 đạt tối thiểu 830 điểm.

    Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 01/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3179/QĐ-UBND ngày 06/12/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 03/6/2022 của UBND tỉnh về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Điện Biên; các chương trình, đề án và kế hoạch hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số. 

    Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng của việc cải thiện chỉ số DTI của tỉnh, để từ đó tạo sự đồng thuận, nhất quán trong tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh triển khai các dự án chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện thị để cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân có thể tiếp cận, cập nhật nhanh chóng các thông tin quan trọng, từ đó đẩy mạnh việc nâng cao chỉ số DTI của tỉnh đã đề ra. Tăng cường vai trò, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì, phụ trách đối với từng tiêu chí, nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh…

    Cùng với đó, Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến đảm bảo đến năm 2025 đạt chỉ tiêu tỷ lệ 80% dịch vụ công trực tuyến có hồ sơ đều phát sinh hồ sơ trực tuyến. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP; thực hiện số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong gửi nhận dịch vụ công trực tuyến, chứng thực bản sao điện tử, thực hiện thủ tục hành chính, chỉ đạo điều hành và xử lý công việc trên môi trường mạng; liên thông, kết nối các cơ sở dữ liệu đảm bảo an toàn thông tin, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; tích cực sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt của các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục; đào tạo bồi dưỡng, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số./.

  • Tác giả: Tuyết Anh
  • Nguồn tin: dienbien.gov.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng