• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm địa phương
  • Thời gian đăng: 24/10/2023 04:18:32 PM - Lượt xem: 1616
  • CDS - Hiện nay, ngày càng có nhiều chủ thể là tổ chức, cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ 4.0 để kết nối tiêu thụ nông sản qua mạng xã hội và trên các nền tảng số. Đây được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối hàng hoá truyền thống nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương, bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế hiện nay.
  • Đều đặn mỗi ngày, một nhóm bạn trẻ lại thực hiện các phiên livestream bán sản phẩm đặc sản của tỉnh Điện Biên qua kênh tiktok “Khói bản food” có hơn 670.000 lượt thích. Để thu hút lượt người theo dõi, mỗi ca livestream được các bạn đầu tư chu đáo từ ekip hỗ trợ live; đổi mới trang phục và địa điểm là những nơi có phong cảnh đẹp trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Mặt hàng được bán ra gồm: thịt khô, lạp sườn, chẩm chéo, miến… từ các đơn vị có uy tín, sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh. Thời gian cao điểm nhất, nhóm có thể bán được từ 40-50 đơn hàng/ca livetream với lượng khách hàng đa dạng trên khắp cả nước.

    1
    Tận dụng nền tảng mạng xã hội để mở rộng kinh doanh đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với nhiều người khi lượng hàng hóa bán ra tăng hơn so với bán hàng truyền thống.

    Là thanh niên trẻ, năng động, anh Lò Văn Hợp, trú tại bản Bó, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ đang có mô hình phát triển kinh tế với hơn 100 gốc quýt, trên 20 gốc bưởi diễn, bưởi da xanh; trên 40 con gia cầm các loại và gần 300m2 ao nuôi thả cá… Hiện, các loại cây ăn quả đang bước vào giai đoạn cho thu hoạch rộ, vì vậy, anh Hợp cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng chụp ảnh, đăng bán sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình cũng trở nên dễ dàng hơn.

    “Bây giờ mạng xã hội phát triển nên mình cũng chụp ảnh các loại nông sản trồng được để đăng lên mạng xã hội, thì cũng thấy bán hiệu quả hơn so với việc bán hàng truyền thống. Lượng sản phẩm mình bán trên mạng xã hội khoảng 60-70%.” - anh Lò Văn Hợp, cho biết.

    1
    Rất nhiều mặt hàng nông sản, tiêu biểu của Điện Biên đã được các đơn vị kinh doanh đưa lên các sàn thương mại điện tử.

    Thời gian gần đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh đang ngày càng quan tâm và đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã có gần 500 sản phẩm của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo, PostMart.vn, Voso.vn... Trong đó, 100% các sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đa dạng hóa các kênh bán hàng qua các giao diện mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… Đây được coi là giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm đến rộng rãi và gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

    Sự xuất hiện của phương thức bán hàng qua mạng thông qua các website, các sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội đã và đang mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới. Đây là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chuyển đổi hình thức từ bán lẻ truyền thống sang thương mại điện tử. Qua đó, nâng cao thị phần thương mại điện tử trong cơ cấu doanh thu bán lẻ và cũng là cơ hội cho thương mại điện tử phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, đợn vị sản xuất và phân phối sản phẩm chuyển đổi phương thức kinh doanh./.

     

     

     

  • Tác giả: Phương Dung - Tiến Thành
  • Nguồn tin: DIENBIENTV.VN
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng