• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Thành phố Ðiện Biên Phủ thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt
  • Thời gian đăng: 20/09/2023 03:44:30 PM - Lượt xem: 2003
  • CDS - Sau thời gian triển khai thực hiện thí điểm, việc chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội tại TP. Ðiện Biên Phủ đã nhận được sự vào cuộc tích cực từ các cấp chính quyền, sự đồng thuận, hưởng ứng của các đối tượng chính sách và người dân. Ðây được xem là phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm chi trả kịp thời, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính...
  • Cán bộ phường Mường Thanh tuyên truyền nội dung chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.

    Là 1 trong 3 địa phương của tỉnh triển khai thí điểm chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ xã hội và người có công, TP. Ðiện Biên Phủ đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho đối tượng được thụ hưởng về việc chuyển đổi hình thức chi trả bằng tiền mặt sang không dùng tiền mặt để người dân nắm được và phối hợp thực hiện. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Triển khai nội dung này, Phòng ký hợp đồng phối hợp với Ngân hàng VietinBank Ðiện Biên thực hiện việc mở và chi trả trực tiếp vào tài khoản ATM của các đối tượng hưởng chính sách, bắt đầu từ tháng 6 đối với đối tượng bảo trợ xã hội, từ tháng 7 đối với đối tượng người có công trên địa bàn các phường: Mường Thanh, Thanh Trường, Him Lam, Noong Bua, Nam Thanh, Him Lam, Tân Thanh, Thanh Bình và xã Thanh Minh. Phòng tiếp tục phối hợp với Bưu điện TP. Ðiện Biên Phủ thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho 453 đối tượng bảo trợ xã hội thuộc 4 xã vùng ngoài: Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn, Pá Khoang. Việc mở tài khoản được tuyên truyền, thực hiện ngay tại nhà nên hầu hết đối tượng đều hiểu và đồng thuận về quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách và chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt. Tính đến hết tháng 8/2023, toàn thành phố đã mở được gần 1.500 tài khoản an sinh xã hội trên tổng số hơn 2.100 đối tượng bảo trợ và người có công với cách mạng, đạt gần 70%. Trong đó, 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố đều đã được đối soát, cấp mã định danh điện tử và cập nhật vào phần mềm dữ liệu chuyên môn nên việc quản lý tương đối thuận lợi.

    Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chế độ cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng đáp ứng được yêu cầu của Ðề án 06, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý Nhà nước, tạo điều kiện để người tiếp cận được với các dịch vụ xã hội thuận lợi. Ðồng thời, góp phần giúp theo dõi, quản lý và chi trả cho các đối tượng được thống nhất, đồng bộ; khắc phục được những thủ tục rườm rà, hạn chế trong việc chi trả trợ cấp bằng tiền mặt như: Xuất trình căn cước công dân, cung cấp mã OTP, ký nhận tiền… Ðặc biệt, qua phương thức này còn tiết kiệm chi phí hành chính.

    “Sau 3 tháng triển khai thực hiện thanh toán trực tiếp chế độ trợ cấp vào tài khoản ATM của đối tượng, lệ phí chi trả cho đơn vị dịch vụ là gần 51,5 triệu đồng. Nếu thực hiện hoàn toàn chi trả bằng tiền mặt hoặc cấp vào tài khoản số của đối tượng theo hình thức cũ thì lệ phí chi trả là hơn 90,6 triệu đồng. Như vậy, chi phí đã giảm được hơn 39,1 triệu đồng so với trước...”.

    Là thương binh 38%, ông Nguyễn Xuân Trường, tổ 8, phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ được hưởng chế độ trợ cấp trong suốt hơn 40 năm qua. Như trước đây, hàng tháng ông đều lên UBND phường để nhân tiền trợ cấp. Ðến tháng 6 năm nay, số tiền trợ cấp của ông được chi trả vào tài khoản ngân hàng, thay vì nhận trực tiếp như trước đây. Với nhiều đổi mới, cùng tiện ích mang lại, ông Trường đánh giá rất cao phương thức chi trả mới này. Ông Trường cho biết: “Khác với trước đây, bây giờ tiền cứ thế chuyển vào tài khoản hàng tháng thôi. Ví dụ như khoảng ngày 7 - 8 đầu tháng là đã thấy thông báo trên điện thoại rồi. Như thế đảm bảo về thời gian chi trả mà chúng tôi cũng không mất thời gian đi nhận tiền. Còn khi nào cần tiêu thì cứ ra cây ATM, cần bao nhiêu thì rút bấy nhiêu...”.

    Tuy vậy, đây là chính sách mới nên việc triển khai trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ vẫn đang gặp nhiều khó khăn, cần tháo gỡ trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: “Hiện nay, các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn đều cao tuổi, đi lại khó khăn, trong khi một số đối tượng chưa đồng thuận trong việc lập tài khoản để thực hiện thanh toán theo hình thức mới do đã quen với hình thức nhận trợ cấp bằng tiền mặt trước đây. Ngoài ra, tại 4 xã vùng ngoài Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn, Pá Khoang chưa có hệ thống cây ATM nên 453 đối tượng dù đã mở được tài khoản vẫn phải chi bằng tiền mặt theo hình thức cũ, vì vậy tỷ lệ chi trả qua tài khoản chưa đạt so với mục tiêu đặt ra...”.

  • Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng