• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Số hóa hiện vật đáp ứng tốt hơn nhu cầu du khách
  • Thời gian đăng: 14/09/2023 09:35:56 AM - Lượt xem: 2153
  • CDS - Ðáp ứng nhu cầu khách tham quan và bắt kịp những thay đổi của kỷ nguyên số, thời gian qua, các bảo tàng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh các kênh online, khai thác website với hình ảnh 2D, 3D, kết nối mọi lúc mọi nơi. Ðiều này tạo trải nghiệm mới, thu hút khách tham quan và tạo thuận lợi cho việc quản lý, bảo tồn, khôi phục... hiện vật.
  • Bảo tàng tỉnh đã số hóa gần 500 hiện vật. Các hiện vật được thông tin cụ thể về chất liệu, tình trạng, nguồn gốc... và hình ảnh theo dạng 2D hoặc 3D. Trong ảnh: Cán bộ Bảo tàng tỉnh kiểm tra hiện vật chuẩn bị cho việc số hóa.

    Từ giữa năm 2023, chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính, ở bất kỳ đâu, người yêu thích văn hóa, lịch sử đều có thể tìm hiểu các thông tin, hình ảnh đầy đủ về từng hiện vật đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ðiện Biên, mà không cần đến trực tiếp. Ðó là “Góc hiện vật” trên fanpage Facebook “Bảo tàng tỉnh Ðiện Biên” hoặc trên phần mềm quản lý di sản văn hóa với đường link qldsvh.svhttdl.dienbien.gov.vn. 

    Phòng trưng bày của Bảo tàng tỉnh hiện có diện tích hơn 300m2, chỉ trưng bày được khoảng 300 trong tổng số hơn 11.800 hiện vật đã sưu tầm. Bởi vậy, việc áp dụng phần mềm quản lý di sản văn hoá giúp có thêm nhiều hiện vật được “trưng bày” online và được biết đến rộng rãi. Ðến nay, Bảo tàng đã thực hiện số hóa hơn 400 hiện vật theo dạng 2D, trên 90 hiện vật 3D và số hoá tài liệu cho gần 4.400 hiện vật... phục vụ cho du khách có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử trực tuyến. Chỉ mất vài giây, người quan tâm có thể xem hình ảnh kèm các thông tin cụ thể về hiện vật: chất liệu, nguồn gốc, miêu tả, số đăng ký hiện vật, số lượng, kích thước, tình trạng, Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng 3 phần mềm khác liên quan đến công tác quản lý hiện vật gồm: Phần mềm số hóa hiện vật Bảo tàng tỉnh; hệ thống thông tin quản lý bảo tàng và hệ thống thông tin quản lý hiện vật...

    Bà Lê Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm vào hoạt động của Bảo tàng đã đem lại cho công tác quản lý, khai thác thông tin hiện vật trở nên khoa học hơn. Ðặc biệt là việc số hóa 2D, 3D hiện vật của Bảo tàng đã giúp cho người xem dễ dàng tiếp cận, thêm trải nghiệm tham quan mới mẻ và thu hút du khách nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay. Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục số hóa các hiện vật hiện có để góp phần quảng bá, giới thiệu và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên”.

    Ðối với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, nhà trưng bày rộng hơn 1.200m2 trưng bày gần 500 hiện vật. Vẫn còn khoảng 3.600 hiện vật đang nằm tại 3 kho lưu trữ. 3 năm gần đây, đơn vị đã thực hiện cập nhật thông tin hiện vật trên phầm mềm quản lý hiện vật do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp. Việc nhập các thông tin từ sổ cái, hồ sơ hiện vật như: Tên, chất liệu, số lượng, niên đại, tóm tắt nội dụng hiện vật... đã giúp cán bộ Bảo tàng kiểm kê, bảo quản, quản lý, khai thác hiện vật theo trường thông tin dễ dàng, nhanh chóng và chính xác. Ðồng thời phản ánh đầy đủ, khoa học các cơ sở dữ liệu về từng hiện vật và theo hệ thống phân loại.

    Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ cho biết: “Trước đây chúng tôi có gần 10 loại sổ để ghi chép, thực hiện công tác kiểm kê hiện vật. Từ khi sử dụng phần mềm, việc này đơn giản hơn nhiều. Các trường thông tin được thiết kế, lưu giữ bằng công nghệ giúp cho hoạt động kiểm kê của Bảo tàng ngày càng thuận lợi, dễ dàng”.

    Cùng với quản lý hiện vật thì Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác trưng bày, tuyên truyền. Bắt đầu từ việc thường xuyên cập nhật hình ảnh, thông tin, hoạt động của Bảo tàng trên trang thông tin điện tử (website), facebook và các trang mạng xã hội khác... Các bài viết liên quan đến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, câu truyện về những anh hùng tham gia Chiến dịch hay hiện vật được sưu tầm, trưng bày tại Bảo tàng... được đăng tải trên các kênh thông tin, mạng xã hội của đơn vị và của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thu hút nhiều lượt xem và tương tác. Qua đó quảng bá rộng rãi hình ảnh Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đến với du khách, góp phần thu hút khách trong và ngoài tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng đã đón hơn 100 nghìn lượt khách tới tham quan.

    Số hóa, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu số về hiện vật một cách đồng bộ, có chiến lược; giới thiệu, quảng bá hiện vật cùng Bảo tàng trên nhiều nền tảng... đang là hướng đi của các Bảo tàng trên địa bàn tỉnh. Việc này không chỉ đưa hiện vật lịch sử, di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng, góp phần tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị, mà còn trở thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

  • Tác giả: Bảo Anh
  • Nguồn tin: https://www.baodienbienphu.com.vn/
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng