Số ký hiệu: 2001/CATTT- QHPT V/v tham gia Chiến dịch tuyên truyền“Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024 " |
Số ký hiệu: 3938/BTTTT-CĐSQG V/v phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 |
Số ký hiệu: 2992/KH-UBND Kế hoạch Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số Quốc gia và ngày Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên năm 2024 |
Số ký hiệu: 62/KH-UBND Kế hoạch cao điểm cài đặt ứng dụng Điện Biên Smart và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biên năm 2024 |
Phụ huynh trang bị những kiến thức, kỹ năng để trẻ em có những tương tác an toàn, lành mạnh và bổ ích trên không gian mạng.
Những năm trở lại đây, các thiết bị thông minh kết nối internet là phần không thể thiếu của cuộc sống, việc sử dụng máy tính, điện thoại phục vụ nhu cầu học tập, giải trí và sinh hoạt hàng ngày là điều tất yếu, đối với người trưởng thành, việc tiếp cận thông tin trên các nền tảng xã hội là có chủ đích; nhưng đối với trẻ em, tiếp cận thông tin phần lớn dựa trên cảm xúc, sự tò mò, hiếu kì. Trẻ em khó phân biệt được đâu là thông tin bổ ích mình cần tìm hiểu, đâu là những thông tin độc hại, không có tính giáo dục, phản cảm và bạo lực. Chính vì vậy, trẻ em là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ những thông tin tiêu cực trên internet. Ðối với xã hội số hóa, việc ngăn cấm là không thể, nhưng sử dụng các thiết bị thông minh sao cho phù hợp, phục vụ, đáp ứng nhu cầu của trẻ mà không gây tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi và sự phát triển của trẻ là vấn đề nan giải của rất nhiều bậc phụ huynh.
Chị Lê Dương, tổ 10, phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ chia sẻ: Nhà tôi có hai cháu, 14 và 8 tuổi. Thời đại công nghệ số, cách chăm sóc hay vui chơi cũng có nhiều điểm khác nhau; nếu trước kia không có thiết bị thông minh thì các cháu có thể chơi với trẻ em quanh xóm, nhưng hiện tại cứ có thời gian rảnh là các cháu xem tivi, xem youtube, tiktok… Sự nở rộ các nền tảng mạng xã hội có nhiều khía cạnh vừa tốt, vừa xấu. Nếu để trẻ tự chơi, không có sự giám sát của cha mẹ thì việc tiếp xúc với những thông tin tiêu cực, video phản cảm, không có tính giáo dục, nội dung xấu… rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, gia đình luôn cố gắng hạn chế việc truy cập các thiết bị của trẻ. Mỗi khi có thời gian rảnh, gia đình đưa các cháu đi chơi, như công viên, đi bơi và các hoạt động thể chất để giảm sự lệ thuộc vào các thiết bị thông minh. Ngoài hạn chế và sử dụng cần có sự giám sát của cha mẹ, trong gia đình cũng đặt ra các nguyên tắc, như mỗi ngày chỉ được sử dụng điện thoại một giờ, sau khi đã hoàn thành hết các việc cần làm, không sử dụng điện thoại trong phòng ngủ…
Sự lo lắng khi con em mình sử dụng các thiết bị thông minh là lo lắng chung của tất cả các bậc phụ huynh có trẻ nhỏ. Ðây là lứa tuổi hiếu động, tò mò, luôn tự đặt ra các câu hỏi, là thiên hướng phát triển bình thường và cần thiết. Trên không gian mạng (cửa sổ mở) có thể thỏa mãn những câu hỏi, sự hiếu kỳ của trẻ, chính vì vậy việc trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết cũng như sự giám sát của các bậc phụ huynh là vô cùng quan trọng.
Chị Trần Ngọc Minh Anh, tổ 6, phường Noong Bua, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Không gian mạng và các nền tảng xã hội là một phần không thể tách rời, như cháu nhà tôi, việc giải trí thường là xem các video trên youtube với phụ đề tiếng Anh nên khả năng nghe, nói của bé có tiến bộ từng ngày. Mặc dù vậy, các gia đình cũng không để cháu xem quá nhiều, tránh lệ thuộc, ảnh hưởng vào các thiết bị thông minh. Gia đình cũng cố gắng dành thời gian hướng cháu đến các hoạt động thể chất, vui chơi cùng bạn bè đồng trang lứa hoặc với bố mẹ. Ngoài ra, với các nền tảng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm gia đình cài đặt chế độ tìm kiếm an toàn mặc định cho người dưới 18 tuổi, từ đó hạn chế tối đa sự tiếp xúc của trẻ nhỏ với những thông tin rác, nhạy cảm, độc hại, không lành mạnh trong không gian mạng.
Có thể thấy những tác động hai mặt của các thiết bị thông minh ảnh hưởng đến trẻ em, hiện nay việc cấm đoán trẻ em sử dụng các thiết bị thông minh là không thể. Chính vì vậy, nhằm đảm bảo sự an toàn của trẻ em trong không gian mạng và các nền tảng xã hội luôn cần sự quan tâm sát sao của các bậc phụ huynh trong việc kiểm tra, giám sát và định hướng cho trẻ nhỏ, để bản thân các em có những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, từ đó có những tương tác an toàn, lành mạnh và bổ ích trên không gian mạng.