• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ nông sản
  • Thời gian đăng: 27/06/2023 10:23:12 AM - Lượt xem: 2049
  • Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng, tạo phương thức kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả kinh doanh cao, thời gian vừa qua, nhiều hội viên nông dân tỉnh Điện Biên đã từng bước áp dụng công nghệ số trong tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Thông qua hoạt động này nhiều sản phẩm nông sản của địa phương được kết nối tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân.
  • Là thành viên của Hợp tác xã (HTX) miến Tiến Đạt, trước đây vợ chồng chị Cà Thị Hoa, trú tại đội 14, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên chủ yếu bán sản phẩm theo cách truyền thống nên sản lượng miến bán ra đạt thấp và thương hiệu cũng chưa được nhiều người biết đến. Sau khi chuyển sang hình thức livestream bán hàng trên kênh tiktok shop và thành lập website bán hàng online để quảng bá sản phẩm đã thu hút được lượng khách hàng lớn quan tâm, đặt mua. Bên cạnh sản phẩm miến của HTX, vợ chồng chị Hoa còn bán thêm các sản phẩm nông sản của địa phương như: Mật ong, gạo, muối chẩm chéo để tăng thu nhập cho gia đình. Đến nay, nhờ ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm đã giúp gia đình Hoa thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. 

    Chị Cà Thị Hoa, Đội 14, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên chia sẻ: “Việc bán hàng trên mạng xã hội và trên tiktok lượng khách hàng tìm về cho mình rất là lớn. Không chỉ ở miền Bắc mà còn ở khắp miền Nam, miền Trung đi khắp cả nước, việc tiếp cận khách hàng trên mạng xã hội rất là nhanh luôn. Thay vì mình đứng một chỗ bán hàng ở trên này, thì mình nghĩ tại sao mình không sử dụng các trang mạng xã hội để thúc đẩy các sản phẩm nông sản ở quê hương mình. Ví dụ mùa này mật ong rừng rất được ưa chuộng, kể cả miến cũng vậy, miến năm nay bán rất chi là chạy luôn. Năm nay khi mà bán hàng online phát triển, việc đẩy miến ra thị trường miền xuôi rất là chạy luôn, người dân rất là ưa chuộng.”

    D

    Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh Điện Biên mở 1.200 tài khoản giao dịch trên sàn Post Mart cho hội viên nông dân.

    Tại cơ sở Thịt gác bếp Các Thành tại thành phố Điện Biên Phủ của chị Phạm Thị Xuân Hòa, việc livestream giới thiệu sản phẩm và chia sẻ quy trình sản xuất cũng là cách được chị thực hiện để bán các mặt hàng nông sản khô của cơ sở như: Thịt sấy, lạp xưởng... Hiện nay, fanpage, trang facebook, zalo cá nhân chuyên bán hàng của chị có hàng nghìn lượt người theo dõi, kết nối với hơn 40 cộng tác viên bán hàng trên khắp cả nước. Mỗi lần livestream bán hàng, chị Hòa đều chốt đơn từ 200kg - 300kg thịt khô các loại/ngày.

    “Từ khi mở lò sấy thịt thì tôi đã thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng rất là hiệu quả, việc bán hàng trực tiếp rất là chậm. Ví dụ, bây giờ sản phẩm về đến lò mình livestream bán hàng thì khách hàng cả nước nhìn thấy sản phẩm của mình về đến nhà tươi thế nào, an toàn thế nào. Sau khi ra lò cũng livestream bán hàng để khách hàng khắp nơi người ta biết được là sản phẩm của mình vào lò hôm qua đến khi ra lò nó như thế nào, khâu đóng gói ra làm ra sao. Rồi mình cũng có thể ăn thử luôn sản phẩm trong quá trình livestream bán hàng, thì cộng tác viên, khách hàng của mình họ yên tâm với sản phẩm của mình. Tôi thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bán hàng hiệu quả hơn rất là nhiều so với bán hàng trực tiếp.” - Chị Phạm Thị Xuân Hòa, Chủ cơ sở Thịt gác bếp Các Thành, thành phố Điện Biên Phủ cho biết.

    Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Điện Biên thu thập thông tin của hơn 2.000 hội viên là hộ sản xuất kinh doanh giỏi; mở 1.200 tài khoản giao dịch trên sàn Post Mart cho hội viên nông dân. Đồng thời, lựa chọn 15 sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương quảng bá trên gian hàng thương mại điện tử Post Mart.

    Bà Vàng Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của nông nghiệp 4.0, trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh cũng đã xây dựng đề tài chuyển đổi số trong nông nghiệp, đề tài cũng đã được UBND tỉnh lựa chọn là đề tài cấp quốc gia và hiện nay đề tài đang được trình Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, phê duyệt. Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về nông nghiệp 4.0. Đặc biệt sẽ xây dựng các mô hình cụ thể để áp dụng và nhân rộng.”

    Bên cạnh ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm, tại Điện Biên, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh như trang trại “chăn nuôi không người”, “trang trại tự động” cũng đang dần phát triển. Tuy nhiên, dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song thực tế việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị của nông dân vẫn còn sơ khai. Trong thời gian tới, bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các hội viên nông dân cần tích cực chủ động học hỏi để bắt nhịp với xu hướng sử dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, đặc biệt là việc chủ động đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, nâng cao giá trị nông sản.

  • Nguồn tin: dienbientv.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng