Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo hội nghị
Dự phiên họp tại tỉnh Điện Biên có đồng chí Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo, các đồng chí thành viên và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh.
Theo đó, tại phiên họp các đại biểu đã nghe Báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông và các ý kiến tập trung phân tích, đánh giá về tình hình chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành Nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 5 năm và hằng năm về chuyển đổi số; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của 22 bộ, ngành và 63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động. Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển từ Trung ương đến địa phương. Cơ sở dữ liệu quốc gia trên một số lĩnh vực được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Nhân lực cho chuyển đổi số được chú trọng phát triển, tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương cũng đã bước đầu đạt kết quả tích cực, đã có 41/63 tỉnh, thành phố triển khai 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã công bố chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI năm 2021 của các bộ, ngành, địa phương. Theo kết quả đánh giá, thành phố Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng ở cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh Điện Biên từ vị trí thứ 45 năm 2020 đã vươn lên thứ 37 trên bảng xếp hạng.
Bảng Xếp hạng DTI năm 2021 cấp tỉnh
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra là phải chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Các bộ, ngành, địa phương cần xác định chính xác bài toán chuyển đổi số, xuất phát từ chính đặc thù của bộ, ngành, địa phương. Cơ sở dữ liệu có tính kết nối, liên thông, đảm bảo phục vụ người dân hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội nhanh hơn, thuận tiện hơn và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp./.