• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Phát triển hạ tầng để đẩy nhanh chuyển đổi số
  • Thời gian đăng: 12/08/2022 04:00:41 PM - Lượt xem: 2511
  • Toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, gồm: Viễn thông Điện Biên (VNPT Điện Biên), Viettel Điện Biên, MobiFone Điện Biên, Công ty Cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile, FPT Telecom Điện Biên. Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng băng rộng để đảm bảo kết nối internet, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
  • 5.jpg
    VNPT Điện Biên chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng các dịch vụ, chăm sóc khách hàng.

    VNPT Điện Biên là một trong những doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng, đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số. Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Viễn thông Điện Biên, thời gian qua, VNPT Điện Biên luôn tích cực, chủ động thực hiện chuyển đổi số, phát huy tốt vai trò dẫn dắt, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số cho chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, VNPT Điện Biên đã thực hiện số hóa toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, đơn vị tiên phong, dẫn dắt chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thông qua việc tham gia các chương trình chuyển đổi số trong tỉnh; xây dựng nền tảng chuyển đổi số cho chính quyền tỉnh và doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái số cho các ngành y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, thuế...

    Đặc biệt, xác định việc phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược chuyển đổi số, vì vậy, thời gian qua VNPT chú trọng đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin. Đến nay, VNPT Điện Biên đã triển khai đến 100% cơ quan Đảng, Nhà nước từ tỉnh đến xã đều có thể kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng; tất cả trung tâm huyện, thị và các xã, khu tập trung dân cư sinh sống đều có thể kết nối internet băng rộng cố định (cáp quang), được phủ sóng thông tin di động mạng 4G. Hệ thống mạng di động 4G, tỷ lệ số trạm có 4G đạt 99%; hiện nay đơn vị đang chuẩn bị điều kiện để triển khai hệ thống 5G. Đồng thời, VNPT Điện Biên đồng hành cùng chính quyền triển khai hệ thống truyền hình hội nghị 4 cấp (Trung ương - tỉnh - huyện - xã) đến 100% các huyện, xã, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số.

    Không chỉ VNPT, hiện nay các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đều chú trọng đầu tư hạ tầng viễn thông, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đến nay, hạ tầng viễn thông tỉnh phát triển đảm bảo đúng quy hoạch, rộng khắp, đáp ứng tốt sự chỉ đạo điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân, doanh nghiệp, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ chung của tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm nền tảng cho chuyển đổi số. Hiện toàn tỉnh có 98,6% cấp thôn, bản trên địa bàn tỉnh được phủ sóng điện thoại di động (tối thiểu 2G); 94,3% khu vực dân cư sinh sống, làm việc (cấp thôn, bản) được phủ sóng thông tin di động mạng 3G, 4G; toàn tỉnh có 506 tuyến cáp quang với tổng chiều dài 3.316km, tập trung chủ yếu là hạ tầng của Viettel Điện Biên, VNPT Điện Biên. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang được kéo đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 88,9% cấp thôn, bản; 100% xã, phường, thị trấn có kết nối băng rộng cố định đến trung tâm, cung cấp dịch vụ cho gần 53.000 thuê bao internet băng rộng cố định trên địa bàn tỉnh (37,9% hộ gia đình có kết nối internet).

    Việc phát triển hạ tầng số đã góp phần không nhỏ trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Hiện tất cả các cơ quan, đơn vị các cấp đều triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 97%. Trong giải quyết thủ tục hành chính, 100% dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội số được quan tâm, mã địa chỉ bưu chính dựa trên nền tảng bản đồ số được triển khai đến hơn 95% hộ gia đình. Tỷ lệ người được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng các dịch vụ thiết yếu về y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường... ngày càng tăng (đạt 47%).

    Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng số vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là các doanh nghiệp viễn thông chủ yếu thực hiện lắp đặt thiết bị, căn chỉnh ăng ten trên hạ tầng có sẵn, dự kiến thời gian tới tỷ lệ sẽ tăng chậm do các thôn, bản chưa có dịch vụ viễn thông phải phát triển hạ tầng mới cung cấp được dịch vụ. Địa bàn một số khu vực chưa có đường ô tô đến, chưa có hạ tầng điện lưới quốc gia nên chưa có đủ điều kiện để xây dựng, vận hành hạ tầng viễn thông. Tại các khu vực này, do số lượng thuê bao rất ít, hiệu quả kinh doanh thấp; mặt khác chi phí vận hành tại các khu vực không có điện lưới quốc gia, đường giao thông rất tốn kém và không có nguồn kinh phí hỗ trợ. Do đó, các tập đoàn, tổng công ty viễn thông chưa ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng. Việc thực hiện quản lý, thúc đẩy sử dụng chung công trình hạ tầng viễn thông vẫn còn thấp. Các nguyên nhân là do các doanh nghiệp viễn thông có sự cạnh tranh trong phát triển hạ tầng và kinh doanh dịch vụ viễn thông; nhiều hạ tầng hiện có đã xây dựng từ lâu, việc triển khai nhiều công nghệ di động (2G, 3G, 4G) trên cùng một cột ăng ten dẫn đến tải trọng không đảm bảo an toàn cho việc dùng chung.

    Theo Sở Thông tin và Truyền thông, để thúc đẩy hạ tầng viễn thông, tạo động lực chuyển đổi số, thời gian tới cần tăng cường rà soát, đôn đốc cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành và vượt các chỉ tiêu liên quan theo từng năm; chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ cho việc xây dựng chính quyền số tại cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác phối hợp, tháo gỡ các khó khăn và tạo thuận lợi về phát triển hạ tầng cho các doanh nghiệp viễn thông. Bên cạnh đó, tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường sử dụng chung công trình hạ tầng viễn thông thụ động thông qua việc thẩm định phát triển hạ tầng viễn thông.

  • Tác giả: Văn Tâm
  • Nguồn tin: baodienbienphu.info.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng