• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Phát huy nội lực trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP
  • Thời gian đăng: 06/07/2023 07:46:18 AM - Lượt xem: 1940
  • Ngày 24/2/2021, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 211 phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát là đưa Đề án trở thành chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh, góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương. Hiện thực hóa mục tiêu đó, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã phát huy nội lực, tích cực đổi mới cách thức sản xuất, định vị thương hiệu và phát huy tối đa sức sáng tạo của người dân. Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP đã bước đầu “Gắn sao trong lòng người tiêu dùng”, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
  • 1

    13 ha chè trồng tại xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng được Công ty TNHH trà Phan Nhất xây dựng trở thành mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh.

    Công ty TNHH trà Phan Nhất đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm trà San tuyết PH.14 hữu cơ - một trong 4 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh. 13 ha chè trồng tại xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng được doanh nghiệp xây dựng trở thành mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh.

    Bên cạnh đó, các quy trình sản xuất chè cũng hướng đến việc đảm bảo chất lượng, chế biến sâu với sự hỗ trợ của nhiều loại máy móc ứng dụng công nghệ cao hiện đại. Riêng năm 2022 doanh nghiệp đã sản xuất khoảng 11 tấn chè khô với các loại sản phẩm chủ yếu gồm: trà San tuyết PH.14 hữu cơ; trà xanh hữu cơ Phan Nhất... được thị trường khá ưa chuộng với mức tiêu thụ mạnh.

    1

    Đóng gói sản phẩm cà phê Hồng Kỳ của Công ty Cổ phần Hồng Kỳ Quốc tế.

    Phát huy nội lực trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đang chú trọng xây dựng liên kết sản xuất bền vững; thường xuyên tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần mở rộng thị trường. Đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số; đẩy mạnh bán hàng qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử... Đây được xem là giải pháp quan trọng để sản phẩm OCOP nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị.

    56 sản phẩm OCOP của tỉnh hiện đều đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng; nhiều sản phẩm đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, không chỉ hướng đến thị trường trong nước, một số chủ thể kinh tế như: Công ty Cổ phần Hồng Kỳ Quốc tế, Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên,... đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP của đơn vị và hoàn thiện các điều kiện của thị trường với đích đến là xuất khẩu ra nước ngoài.

    1

    Không ít sản phẩm OCOP đã được phân phối trên hệ thống siêu thị cả trong và ngoài tỉnh Điện Biên.

    Chương trình OCOP được triển khai đã thổi luồng gió mới vào khu vực kinh tế nông thôn, chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực hợp tác xã, tổ hợp tác trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc sản, đặc trưng của từng địa phương. Tỉnh Điện Biên phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có ít nhất 90 - 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh; có 5 - 7 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia đủ tiêu chuẩn xuất khẩu./.

  • Nguồn tin: dienbientv.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng