• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Hợp tác xã "bắt nhịp" thị trường số
  • Thời gian đăng: 27/09/2023 09:10:27 AM - Lượt xem: 2108
  • CDS - Tại tỉnh Điện Biên, thời gian qua, công nghệ số đã được nhiều hợp tác xã ứng dụng nhằm góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Không chỉ vậy, công nghệ số cũng tham gia vào quá trình phát triển thị trường thông qua việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội của các hợp tác xã. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, hạn chế được chi phí từ các bước trung gian. Đồng thời, tạo cơ hội để các hợp tác xã tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh đất nước đang tích cực xây dựng nền kinh tế số.
  • Hợp tác xã sản xuất chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên mới được thành lập vào năm 2022 với ngành nghề chính là làm các loại bún, mì từ gạo lứt. Tiếp cận công nghệ số, hợp tác xã đã chú trọng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

    Theo thống kê, sau khi đưa nông sản lên các nền tảng số, đơn vị đã có cơ hội tiếp cận với khoảng 5-10 khách hàng tiềm năng/ngày. Đến thời điểm này, hơn 30% đơn hàng của HTX được đặt và tiêu thụ thông qua các nền tảng số với chủ yếu là thị trường ngoài tỉnh như: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ...

    Theo chị Phan Thị Hạnh Dung, Giám đốc HTX sản xuất chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên: “Bây giờ mình đưa lên mạng là khách nhìn thấy luôn và khách sẽ dùng thử luôn. Như trước đây đưa vào các kênh truyền thống mình sẽ phải bán dần dần các chỗ lân cận của mình, khách hàng xa rất khó tiếp cận. Nhưng giờ khi có sản phẩm mới thì khách hàng tiếp cận được luôn, thị trường phủ rộng hơn.”

    1
    Sử dụng nền tảng số để bán hàng đã giúp nhiều cá nhân, HTX, đơn vị kinh doanh quảng bá và tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn.

    Hiện nay, ngày càng có nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh  tham gia quảng bá sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng bằng hình thức livestream, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá; thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng cáo trên Facebook, Google, Tiktok... Điều này không những giúp khách hàng cập nhật thông tin về hợp tác xã nhanh hơn mà còn có thể dễ dàng so sánh giá cả với các sản phẩm cùng loại của đơn vị khác. Hơn nữa, qua đây hợp tác xã cũng có thêm nguồn khách hàng mới.

    “Trong quá trình sản xuất kinh doanh và buôn bán, chúng tôi cũng bán hàng trên các trang mạng xã hội như: Youtube, facebook, trên cổng thông tin điện tử. Trong quá trình bán hàng qua mạng xã hội giúp đảm bảo thời gian của mình. Mình không phải đi chào hàng ở nhiều nơi.” - anh Lường Văn Bình, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mường Pồn, huyện Điện Biên, chia sẻ.

    Tuy nhiên, bên cạnh những hợp tác xã nhanh chóng ứng dụng và tham gia vào bán hàng trực tuyến vẫn còn khá nhiều mô hình đang chật vật trong việc đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử hoặc không biết đến những mô hình quảng cáo, tiếp thị sản phẩm hay sàn thường mại điện tử.

    Vì vậy, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử; tập trung vào kỹ năng tiếp thị, xây dựng kế hoạch... Từ đó, giúp HTX thay đổi thói quen tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức hiện đại và hiệu quả hơn.    

    1
    Một lớp tập huấn về thương mại điện tử cho các cá nhân, HTX do Liên minh HTX tỉnh tổ chức.

    Ông Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm KHCN và Kinh tế số - Viện KHCN và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam, thông tin: “Chúng tôi cố gắng trong năm 2023 này sẽ mở khoảng 2-3 lớp tập huấn nữa cho các HTX trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Chúng tôi hướng dẫn cho các hợp tác xã cách thức để bán hàng qua các nền tảng online. Ngoài ra, cũng cố gắng cầm tay chỉ việc cho bà con được trực tiếp thực hành ngay trên lớp cũng như bố trí để bà con đến tham quan đơn vị có khả năng bán hàng, quảng bá sản phẩm tốt trên địa bàn tỉnh.”

    Có thể khẳng định hiệu quả từ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã được minh chứng; ứng dụng chuyển đổi số, bắt nhịp với thị trường số là xu thế tất yếu, là đòi hỏi, yêu cầu khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc.

    Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này tại tỉnh, chúng ta vẫn cần một chính sách toàn diện về nhân lực, nguồn vốn, máy móc, trang thiết bị cụ thể cho hợp tác xã. Khi đó, HTX sẽ mang lại những trải nghiệm tối ưu cho đối tác, người tiêu dùng, góp phần đưa HTX phát triển hoà chung với xu thế hội nhập của đất nước./.

     

     

     

  • Tác giả: Phương Dung - Đức Bình
  • Nguồn tin: DIENBIENTV.VN
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng