Số ký hiệu: 2.Nghi Quyet 57_TW |
Số ký hiệu: 2001/CATTT- QHPT V/v tham gia Chiến dịch tuyên truyền“Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024 " |
Số ký hiệu: 3938/BTTTT-CĐSQG V/v phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 |
Số ký hiệu: 2992/KH-UBND Kế hoạch Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số Quốc gia và ngày Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên năm 2024 |
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tủa Chùa hướng dẫn khách hàng sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách.
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, ông Giàng A Chùa. Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Kể Cải, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) không chỉ giới thiệu chi tiết, cụ thể về các chương trình tín dụng của NHCSXH, mà còn hướng dẫn, hỗ trợ hội viên làm thủ tục vay vốn nhanh gọn, thuận tiện mà không cần mang theo cả xấp tài liệu dày cộp như trước.
Ông Chùa cho biết: Hiện tổ đang quản lý 53 tổ viên với tổng dư nợ hơn 3,6 tỷ đồng. Nhờ sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, mọi thông tin giao dịch đều được cập nhật đầy đủ. Từ phương án tín dụng cơ sở, cơ sở dữ liệu cho vay, lịch sử trả lãi và gốc của khách hàng, đến kết quả kiểm tra đối chiếu nợ.
Bắt đầu từ tháng 9/2024, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tủa Chùa triển khai thực hiện ứng dụng quản lý tín dụng chính sách cho thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị; Ban giảm nghèo cấp xã; trưởng thôn, bản; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn huyện và 229 tổ tiết kiệm và vay vốn. Không chỉ hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai hoạt động tín dụng CSXH, giảm khối lượng và thời gian giao dịch, ứng dụng còn giúp các tổ tiết kiệm và vay vốn theo dõi, quản lý nguồn vốn tốt hơn, mọi hoạt động thu lãi, thu nợ gốc từ chuyển khoản, gửi tiền gửi qua tổ đều chủ động, chính xác, dễ dàng. Việc sử dụng ứng dụng không chỉ tối ưu hóa công tác quản lý mà còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn huyện.
Khách hàng theo dõi kết quả giao dịch; tra cứu biên lai thu lãi các chương trình cho vay qua ứng dụng quản lý tín dụng chính sách
Ông Tòng Hữu Yên, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tủa Chùa cho biết: Sau hơn 6 tháng triển khai, đến nay đã có 485 khách hàng được cài đặt, sử dụng ứng dụng. Ứng dụng giúp cho các thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện nắm bắt được tình hình triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức nhận ủy thác có được nguồn thông tin để kịp thời chỉ đạo thực hiện tốt trên địa bàn quản lý. Công tác giao dịch thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm qua ứng dụng giúp cho việc giao dịch thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách. Ứng dụng này giúp Tổ trưởng hạch toán và đồng bộ dữ liệu giao dịch ngay trên điện thoại, giảm thiểu đáng kể thời gian giao dịch với cán bộ ngân hàng. Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp thông tin chi tiết về các chương trình vay vốn, lãi suất, cơ sở dữ liệu khách hàng và các văn bản hướng dẫn liên quan. Đến nay, 100% tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện giao dịch thông qua ứng dụng này.
Với người vay vốn là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao, biên giới, việc áp dụng phần mềm tín dụng chính sách cũng đem lại tiện ích, giúp người dân nâng cao hiểu biết quản lý tài chính, tăng khả năng tiếp cận công nghệ thông tin trong dịch vụ tài chính.
Ông Lầu A Già, người vay vốn tín dụng chính sách ở huyện Điện Biên Đông, cho biết: Thực hiện theo phần mềm tín dụng chính sách trên điện thoại tôi thấy thuận tiện, chủ động hơn. Hàng tháng khi đến kỳ trả gốc, trả lãi tôi đều nhận được tin nhắn nhắc hẹn, do đó tôi luôn chủ động tài chính để trả gốc và lãi đúng kỳ.
Tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện Điện Biên hạch toán và đồng bộ dữ liệu giao dịch ngay trên điện thoại, giảm đáng kể thời gian giao dịch với cán bộ ngân hàng.
Huyện Điện Biên hiện có 383 tổ tiết kiệm và vay vốn; 271 trưởng thôn, bản và 100% khách hàng đều sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách trên các thiết bị thông minh.
Ông Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên cho biết: Từ khi cài đặt và sử dụng phần mềm Quản lý tín dụng chính sách vào quản lý tình hình vay vốn tín dụng đã giúp các tổ chức nhận ủy thác nguồn vốn tiết kiệm thời gian, chủ động hơn trong vận động hội viên trả đúng hạn các khoản vay. Hoặc tự theo dõi hồ sơ tài chính, vay vốn, nắm tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại cơ sở.
Quản lý tín dụng chính sách là một trong những phần mềm được triển khai thành công và thiết thực. Ứng dụng được cài đặt trên các thiết bị thông minh như một cẩm nang điện tử dễ sử dụng, mang đến cho người dùng nhiều tiện ích, trong đó có quy trình nghiệp vụ như: Thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm, chuyển khoản trả lãi, trả gốc và số liệu hoạt động tín dụng chính sách của tổ tiết kiệm và vay vốn; kết quả giao dịch; tra cứu biên lai thu lãi của tổ viên... Ứng dụng không chỉ giúp tổ trưởng nắm rõ dòng tiền và thông tin khách hàng, mà còn hỗ trợ hiệu quả trong việc kiểm soát sau giải ngân, nâng cao chất lượng quản lý và điều hành tín dụng tại cơ sở.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên tuyên truyền về tiện ích của việc sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách.
Với sự hỗ trợ của các phần mềm ngân hàng số, trưởng ban, thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị huyện; lãnh đạo, cán bộ ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác có thể truy cập và khai thác dữ liệu trực tuyến nhanh chóng, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, quản lý, điều hành chính sách tín dụng trên địa bàn.
Ngoài ứng dụng này, trong thời gian qua NHCSXH thực hiện công tác chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ, tích cực cung cấp đến khách hàng dịch vụ ngân hàng hiện đại; triển khai sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống MobileBanking. Qua đó góp phần nâng cao trình độ dân trí của người dân; thúc đẩy thực hiện các chương trình về an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.