• Chuyển đổi số trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh
  • Thời gian đăng: 13/11/2023 02:44:21 PM - Lượt xem: 635
  • Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐTBXH) đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần tạo chuyển biến trong quản lý, điều hành.
  • Cán bộ phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) tuyên truyền nội dung chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.

    Ông Trần Ðăng Ninh, Phó Giám đốc Sở LÐTBXH cho biết: Sở xác định chuyển đổi số là nhiệm trọng tâm, là cơ sở đổi mới công tác quản lý, điều hành, vận hành quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Từ đó góp phần xây dựng và phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số theo chủ trương, lộ trình chuyển đổi số của tỉnh. Ðể thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số thuộc lĩnh vực ngành quản lý, Sở LÐTBXH đã ban hành các kế hoạch, chương trình cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số toàn diện. Phát huy sức mạnh công nghệ số, làm thay đổi tư duy, nhận thức, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành giúp hoạt động, chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức được tốt hơn; cải thiện dịch vụ công, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

    Nếu như trước đây, khâu lưu trữ hồ sơ của 16.000 người có công trên địa bàn tỉnh đều thủ công, mỗi khi cần đến thì giở sổ để tìm số hồ sơ, sau đó vào kho lưu trữ để trích lục, rất mất thời gian. Giờ đây, tất cả các công đoạn đó chỉ cần một cái click chuột máy tính, bởi tất cả đều được quản lý trên phần mềm. Hồ sơ đã được số hóa, đảm bảo đầy đủ thông tin, đáp ứng nhu cầu khi cần tra cứu. Dữ liệu được phân quyền khai thác và sử dụng đến phòng LÐTBXH các huyện, thị xã, thành phố và cấp xã; hướng đến dữ liệu dùng chung, tạo thuận lợi trong tìm kiếm hồ sơ. 

    Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng LÐTBXH TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Ðến nay, 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố đều đã được đối soát, cấp mã định danh điện tử và cập nhật vào phần mềm dữ liệu chuyên môn nên việc quản lý tương đối thuận lợi. Tính đến hết tháng 8/2023, toàn thành phố có 1.671/2.153 đối tượng bảo trợ và người có công với cách mạng đã được mở tài khoản an sinh xã hội. Trong đó, chi trả không dùng tiền mặt cho 1.055 tài khoản. Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chế độ cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công đáp ứng được yêu cầu của Ðề án 06. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội. Ðồng thời, góp phần theo dõi, quản lý và chi trả cho các đối tượng được thống nhất, đồng bộ; khắc phục được những thủ tục rườm rà, hạn chế trong việc chi trả trợ cấp bằng tiền mặt như: Xuất trình căn cước công dân, cung cấp mã OTP, ký nhận tiền... Ðặc biệt, qua phương thức này còn tiết kiệm chi phí hành chính.

    Thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023, đến nay các huyện, thị xã, thành phố đã cập nhật và chuẩn hóa dữ liệu cho 34.886/35.055 đối tượng bảo trợ xã hội vào phần mềm và chuẩn hóa dữ liệu theo Ðề án 06 (đạt 99,5%). Sở LÐTBXH đã hoàn thành việc thực hiện nhập liệu cho 16.000/16.000 hồ sơ người có công và thân nhân người có công vào biểu mẫu thống kê của Bộ LÐTBXH và tiếp tục thực hiện công tác rà soát, bổ sung, cập nhật thông tin đối tượng. 185.918/215.267 trẻ em đã được nhập dữ liệu (đạt 86,4%), trong đó có 137.425 trẻ em đã có mã định danh liên thông cơ sở dữ liệu quản lý dân cư (đạt 63,8%); số trẻ em được khai sinh đúng độ tuổi và được tư pháp hộ tịch quản lý hồ sơ trẻ em đạt trên 99,5%. 10/10 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin của 366.399 người lao động; đã nhập thông tin của 328.095 người lao động vào phần mềm trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

    Cùng với đó, Sở LÐTBXH đã thực hiện nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin, phát triển hệ thống mạng, trang thiết bị họp trực tuyến đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Mỗi cán bộ, công chức được trang bị 1 bộ máy tính; các bộ phận được trang bị đầy đủ máy in, máy scan, máy photo... đảm bảo cơ bản về chất lượng, đáp ứng các yêu cầu xử lý công việc. 100 % đơn vị thuộc Sở có hạ tầng mạng cáp quang băng thông rộng. Công chức, viên chức có điện thoại thông minh triển khai hiệu quả ứng dụng VNeID, giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Hiện tại, Sở đã triển khai và sử dụng các cơ sở dữ liệu do Bộ LÐTBXH triển khai như: Cung - cầu lao động (Người tìm việc, việc tìm người); Quản lý thông tin trẻ em tại cơ sở; Hệ thống thông tin trợ giúp xã hội và giảm nghèo; Thông tin mộ và nghĩa trang liệt sĩ...

  • Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng