• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Chuyển đổi số trong giáo dục - mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng
  • Thời gian đăng: 22/11/2022 04:24:37 PM - Lượt xem: 2923
  • Chuyển đổi số trong giáo dục là một mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng nhưng điều quan trọng là làm sao để chuyển đổi số tối ưu, hiệu quả và thành công.
  • 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số

    Tại Hội thảo và tọa đàm “Chuyển đổi số trong giáo dục tỉnh Sơn La” trong khuôn khổ các hoạt động Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2022 (Techfest Sơn La) do Bộ KH-CN, UBND tỉnh Sơn La, Trường Đại học Tây Bắc và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức, ông Đỗ Nguyên Hưng, Trưởng làng Công nghệ Giáo dục Techfest nhấn mạnh: “Chuyển đổi số trong giáo dục là một mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng nhưng điều quan trọng là làm sao để chuyển đổi số tối ưu, hiệu quả và thành công”.

    20221202-pg3.jpeg

    Nhìn về bức tranh chuyển đổi số trong ngành giáo dục trên thế giới cũng như tại Việt Nam, ông Nguyễn Trí Hiển (Đồng trưởng làng Công nghệ Giáo dục) cho biết tổng đầu tư vào thị trường Edtech toàn cầu năm 2021 tiếp tục phá kỷ lục với 53,68 tỉ USD. Trong đó, từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm vào các startup 2021 có hơn 20,8 tỉ USD, trên 1.500 lượt đầu tư (tăng khoảng 30% so với năm 2020).

    Ở Việt Nam hiện nay, giáo dục đào tạo là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong khai thác thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, mô hình giáo dục thông minh được chú ý hơn cả khi nó chứa đựng trường học thông minh, phòng học thông minh.

    Theo ông Nguyễn Trí Hiển, lớp học thông minh sẽ được xây dựng với trang thiết bị hiện đại trên chính hạ tầng của các phòng học truyền thống sẵn có, kết hợp hệ thống số hóa bài giảng điện tử tự động để nâng cao chất lượng giáo dục.

    Về phía tỉnh Sơn La, trong những năm qua, Trường đại học Tây Bắc đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giúp phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Trường Đại học Tây Bắc cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La nhằm phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo.

    Về công tác chuyển đổi số, TS. Phạm Đình Thành cho biết ngày 24.4.2020 Trường đại học Tây Bắc đã ban hành đề án Triển khai ứng dụng CNTT giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030. Năm 2021, Trường đại học Tây Bắc đã xây dựng Kế hoạch Công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025. Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là trọng tâm trong Kế hoạch chiến lược của Trường Đại học Tây Bắc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.

    Hiện nay, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được thực hiện trên hầu hết tất cả các lĩnh vực nhưng vẫn còn những hạn chế. Điển hình như nhận thức về chuyển đổi số và trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT không đồng đều; cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, trang thiết bị… còn chưa đồng bộ; nguồn lực tài chính còn hạn chế; ví trí địa lý xa xôi và địa hình chia cắt; khó khăn về các giải pháp chuyển đổi số…

    Với thế mạnh là ngôi trường lâu năm đào tạo về khoa học tự nhiên và CNTT, Trường đại học Tây Bắc nhận thức rõ sứ mệnh của mình trong công cuộc chuyển đổi số của toàn tỉnh và ngành giáo dục Sơn La.

    Theo TS. Phạm Đình Thành, hiện Trường có các nhóm nghiên cứu về ứng dụng CNTT, ứng dụng công nghệ cao, khoa học tự nhiên, giáo dục học… Năm 2019, 2020, đứng thứ 27 trong số các trường trực thuộc bộ GĐ-ĐT về công bố bài báo quốc tế trong danh mục ISI. Trường có các trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số, Tin học và ngoại ngữ…

    Kết hợp nhiều giải pháp

    Theo PGS.TS Vũ Việt Hùng (Phó trưởng phòng GDPT và GDTX, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La), muốn chuyển đổi số thành công thì phải chuyển đổi trong nhận thức, tư duy, đặc biệt là ở các cấp lãnh đạo.

    Ông Hùng cũng đề xuất kiến nghị hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số và tư vấn giáo dục số cho ngành. Tư vấn, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu; tư vấn khai thác sử dụng các module, phần mềm, ứng dụng trong quản lý và dạy học, các loại hồ sơ số trong nhà trường, mô hình trường/lớp học thông minh. Hỗ trợ hướng nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số. Ưu tiên cho ngành các chương trình, đề án ... về chuyển đổi số.

    Để thực hiện giáo dục thông minh, ông Nguyễn Trí Hiển cho rằng cần thực hiện công khai, minh bạch thông tin về cơ sở trường lớp, chương trình học, đưa đón, ra vào trường, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, thực đơn, học phí của học sinh. Chủ trương về thanh toán không dùng tiền mặt; thanh toán trực tuyến các khoản thu.

    Ngoài ra còn cần chủ trương về thành phố thông minh; kết nối và đồng bộ dữ liệu ngành với hệ thống tổng thể của thành phố, giúp kịp thời cho công tác quản lý của UBND các cấp. Chương trình “Make in Vietnam” và chuyển đổi số của Chính phủ và Bộ TT-TT.

    Về phía Trường đại học Tây Bắc, TS. Phạm Đình Thành đề xuất giải pháp chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy tin học hay các môn khoa học tự nhiên. Với các cựu học sinh, sinh viên đông đảo, Trường đại học Tây Bắc có thể triển khai các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng CNTT nhanh chóng và hiệu quả. Tự bồi dưỡng: xây dựng, cung cấp các khóa học đại chúng mở (MOOC)…

  • Nguồn tin: mic.gov.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng