• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Cảnh báo tội phạm lừa đảo công nghệ cao
  • Thời gian đăng: 09/06/2023 03:33:11 PM - Lượt xem: 4197
  • Những năm gần đây, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng hay còn gọi là tội phạm công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đã xảy ra nhiều vụ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, khiến nhiều nạn nhân mắc bẫy.
  • Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy hiện là một giáo viên trên địa bàn huyện Điện Biên. Từ trước đến nay chị Thủy chưa từng vay tiền qua mạng nhưng có người thân  từng vay tiền thông qua các ứng dụng vay tiền trên mạng xã hội (trong khi chị Thủy không được biết, không liên quan đến việc vay tiền này).

    Thời gian gần đây, chị Thủy liên tục bị các đối tượng dùng nhiều hình thức để làm phiền, đòi nợ như: sử dụng số lạ gọi điện thoại đe dọa, tạo áp lực về tâm lý, tinh thần, yêu cầu chị liên hệ với người thân đã vay tiền để trả tiền nợ; thậm chí, các đối tượng còn sử dụng nick facebook ảo đăng tải nhiều lần, trên nhiều hội nhóm hình ảnh của chị ghép với người vay tiền với nội bôi nhọ, đe dọa.... Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tình cảm, các mối quan hệ trong cuộc sống cũng như công việc của chị Thủy.

    Chị Bùi Thị T. B. trú tại phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ thì lại vô tình rơi vào một cái bẫy tinh vi, xảo quyệt hơn do các đối tượng dàn dựng công phu, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của chị, các đối tượng lừa đảo đã gọi điện thoại tự xưng là cán bộ điều tra của Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh thông báo với nội dung là thông tin tài khoản ngân hàng của chị liên quan đến hoạt động của một đường dây mua bán người.

    1
    Người bị hại tới trình báo cơ quan Công an.

    Để phục vụ công tác điều tra, chị B. phải chuyển một số tiền theo yêu cầu vào số tài khoản đối tượng cung cấp để xác minh, bọn chúng đe dọa nếu không thực hiện theo thì sẽ thực hiện lệnh bắt. Sau cuộc điện thoại nhiều tiếng đồng hồ, quá hoang mang, lo sợ nên chị B. đã đi rút toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời tích cóp được để gửi nhưng rất may người nhà phát hiện ra ngăn chặn kịp thời.

    Cũng rơi vào cái bẫy mà kịch bản giống hệt chị B., bà Nguyễn Thị H. L. trú tại phường Thanh Bình lại không được may mắn như vậy, sau khi nghe điện thoại của các đối tượng lừa đảo, bà L. đã nhanh chóng rút hết khoản tiền tiết kiệm và chuyển 570 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp.

    Các đối tượng tội phạm công nghệ cao thường dùng thủ đoạn giả mạo tài khoản Facebook, Zalo hoặc chiếm đoạt tài khoản Facebook, Zalo… của cá nhân, sau đó dùng các tài khoản đó để để liên hệ thân nhân, bạn bè của các chủ tài khoản mạng xã hội này để xin tiền, mượn tiền, nhờ mua giúp thẻ cào điện thoại, mở giúp tài khoản ngân hàng... với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền.

    Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng lừa đảo bằng hình thức cho vay tiền (qua App, gọi điện thoại trực tiếp hoặc đăng thông tin cho vay lên mạng Internet, mạng xã hội). Đối tượng lừa đảo đưa ra thủ tục vay tiền đơn giản là chỉ cần chụp hình người vay, ảnh chứng minh nhân dân, cung cấp tài khoản ngân hàng của người vay, số điện thoại của người thân hoặc tải và cài đặt các App vay tiền do chúng cung cấp.

    Khi người vay không có tiền trả nợ đến hạn, chúng gây áp lực đối với người thân của con nợ để buộc trả tiền. Có nhiều trường hợp, đối tượng yêu cầu người vay chuyển tiền cho chúng nhiều lần, với lý do là để đảm bảo hồ sơ vay, tài khoản yêu cầu vay cần phải điều chỉnh (tốn phí); khi người vay chuyển tiền xong theo yêu cầu của đối tượng thì chúng cắt đứt liên lạc (người có nhu cầu vay bị mất tiền, trong khi chưa nhận được tiền vay).

    1
    Người dân cần hết sức cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

    Tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo dưới hình thức giả danh cán bộ của các cơ quan thực thi pháp luật. Chúng hù dọa người dân để chiếm đoạt tiền. Tội phạm giả danh nhân viên nhà mạng, lừa đảo chủ thuê bao điện thoại di động để lấy mã OTP (mật khẩu bảo vệ cho các tài khoản thanh toán ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến…) của chủ sử dụng để đăng nhập vào các ví điện tử (Momo, Zalo Pay, VnMart…) để chiếm đoạt tiền.

    Tội phạm công nghệ cao cũng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi đầu tư vào sàn tài chính ảo (sàn chứng khoán, ngoại hối, chăn nuôi ảo…) kêu gọi người dân tham gia đầu tư mua tiền ảo với lãi suất cao, rất nhiều tiền, khi tham gia chơi chỉ có lợi nhuận chứ không có rủi ro. Nếu giới thiệu người khác tham gia đầu tư thì được hưởng tiền hoa hồng. Sau một thời gian tham gia đầu tư, nếu nhà đầu tư (người chơi) không tiếp tục bỏ tiền thêm để đầu tư hoặc nuôi các cá thể trong App, rút vốn thì các đối tượng sẽ cho “sập sàn”, chúng cắt đứt liên lạc với nhà đầu tư và bỏ trốn. Kết quả là người tham gia đầu tư bị “trắng tay”.

    Gần đây nhất xuất hiện đối tượng tội phạm công nghệ cao sử dụng Deepfake AI (phần mềm ghép mặt và giọng nói) giống hệt người quen của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo. Cách thức này được dùng để lừa những người dùng cảnh giác, họ cẩn thận gọi video qua Facebook, Zalo kiểm chứng và… sập bẫy. Bằng công nghệ “không biên giới”, dự báo đây là chiêu trò “nở rộ” thời gian tới mà người dân cần cảnh giác để tránh mất tiền oan

    Tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống Nhân dân và tình hình ANTT. Công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao không chỉ riêng của ngành công an mà cần có sự phối hợp thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương. Trong đó, có vai trò to lớn của quần chúng nhân dân. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản cho chính bản thân, gia đình mình và phải tích cực phối hợp với cơ quan công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm./.

  • Nguồn tin: https://dienbientv.vn/
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng