• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Bắt đầu từ tư duy
  • Thời gian đăng: 15/06/2023 01:50:24 PM - Lượt xem: 3361
  • Trong chuyến thăm và làm việc gần đây với Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đề cập khá sâu về việc chuyển đổi số báo chí. Theo đồng chí Lê Quốc Minh, chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu hiện nay, nếu các cơ quan báo chí không muốn bị “đào thải”. Làm được điều đó, các cơ quan báo chí cần chủ động thay đổi, hợp tác với các cơ quan truyền thông khác để tạo chỗ đứng, vị thế trong làng báo chí công nghệ. Chuyển đổi số báo chí, cái quan trọng nhất không phải bắt đầu tư công nghệ mà là thay đổi tư duy, nhận thức người làm báo…
  • Từ những thông tin đồng chí Lê Quốc Minh cung cấp, chia sẻ, thấy rằng, báo chí Điện Biên nói chung, Báo Điện Biên Phủ nói riêng thời gian gần đây cũng đã rất nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong làm báo. Với một tỉnh khó khăn như Điện Biên, điều tất yếu kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số báo chí cũng “bó” hẹp.

    Khó nhưng không thể không làm, không đổi mới. Do vậy, gần đây Báo Điện Biên Phủ đang xúc tiến các bước để chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng công nghệ thông tin trong xuất bản các ấn phẩm. Bên cạnh cải tiến cách thức xuất bản báo in với hình thức ngày càng đổi mới theo hướng, tin bài ngắn gọn, hấp dẫn, nhiều chuyên trang chuyên mục, đi vào những vấn đề

    đời thường, sát hơn với thực tế cuộc sống. Báo Điện tử cập nhật thông tin nhanh, kịp thời, đa dạng, tăng tính tương tác. Cách thức trình bày có nhiều thay đổi theo hướng dùng nhiều ảnh, clip; mục truyền hình internet duy trì ổn định…

    Báo cũng đang kết nối, liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung cấp phần mềm báo chí, truyền thông trong nước để được tư vấn, giới thiệu và lựa chọn phần mềm quản trị mạng báo điện tử, quy trình xuất bản báo in hiện đại, hợp với thực tế địa phương (nguồn kinh phí tỉnh cấp để thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025 cũng như nhân lực hiện có của toà soạn).

    Thực tế thời gian qua, Báo Điện Biên Phủ đã chủ động đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất tác phẩm, xuất bản ấn phẩm. Tuy nhiên, nhìn ra bên ngoài (báo đảng các tỉnh), nhìn lên phía trên (báo chí trung ương) thì việc áp dụng công nghệ số của Báo Điện Biên Phủ còn rất khiêm tốn. Việc kiểm duyệt tin bài báo in hiện nay vẫn rất thủ công; cấp quyền xuất bản báo điện tử, quy trình biên tập, thẩm duyệt vẫn còn rườm rà, qua nhiều khâu. Có thể khẳng định, việc chuyển đổi số của Báo Điện Biên Phủ vẫn thuộc “top” sau của cả nước.

    Đây là trăn trở của lãnh đạo từ Ban Biên tập xuống toàn thể cán bộ, viên chức, người làm báo Báo Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, sau khi có buổi làm việc với đồng chí Lê Quốc Minh, Báo Điện Biên Phủ nhận thấy rằng, chuyển đổi số không phải bắt đầu từ vấn đề công nghệ, mà trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, nhận thức, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo, cán bộ quản lý. Do vậy, Ban Biên tập đã quán triệt, chỉ đạo toàn thể cán bộ, viên chức, người làm báo trong cơ quan thể hiện quyết tâm áp dụng công nghệ thông tin trong làm báo. Tuỳ điều kiện cụ thể, trang thiết bị máy móc hiện có mà áp dụng chuyển đổi số một cách phù hợp, linh hoạt, chú trọng rút ngắn thời gian xuất bản báo in, cập nhật thông tin lên báo điện tử một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất. Cùng với đó là thay đổi tư duy làm báo truyền thống sang làm báo đa phương tiện. Một tác phẩm báo chí thể hiện bằng nhiều cách viết, phù hợp với các ấn phẩm của báo. Sau khi báo điện tử đăng tải, là kịp thời chia sẻ lên các nền tảng mạng xã hội để lan toả thông tin một cách nhanh nhất đến bạn đọc, nhóm thị hiếu độc giả.

    Tương lai gần, Báo Điện Biên Phủ lập đề án chuyển đổi số theo hướng Quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; nền tảng phân tích thông tin dư luận trên mạng xã hội, giúp Ban Biên tập nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, từ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần...

    Qua nghiên cứu, học hỏi tại một số toà soạn báo chí Trung ương, địa phương cho thấy, trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số không phân biệt tờ báo lớn hay nhỏ. Một tờ báo nhỏ nếu có chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, giữ chân được lượng độc giả trung thành và duy trì được nội dung cung cấp cho độc giả thì khả năng chuyển đổi số thành công sẽ cao hơn.

    Ban Biên tập Báo Điện Biên Phủ nhận thấy rằng, mỗi cơ quan báo chí có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ nào phù hợp với tòa soạn thì đầu tư, áp dụng, không nên áp dụng dập khuôn, máy móc theo một quy tắc cụ thể nào cả. Điều quan trọng là tất cả cán bộ, viên chức, người làm báo cơ quan cùng phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm thì mới có thể thực hiện chuyển đổi số thành công.

  • Nguồn tin: https://www.baodienbienphu.com.vn/
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng