• Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
  • Bảo đảm an ninh mạng là yếu tố then chốt chuyển đổi số
  • Thời gian đăng: 12/06/2024 03:57:45 PM - Lượt xem: 1139
  • CDS - Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số đặt ra hàng loạt thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro mới về an toàn thông tin (ATTT). Vì vậy, công tác đảm bảo ATTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước được tỉnh Điện Biên chú trọng thực hiện, xem đây là khâu then chốt trong thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn nhanh và bền vững.
  • Ứng cứu sự cố ATTT mạng thường xuyên hỗ trợ, quét vi rút website cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

    Hiện nay, hầu hết mọi hoạt động trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước đều diễn ra trên môi trường mạng. 100% cơ quan, đơn vị hành chính từ tỉnh đến cơ sở được trang bị hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối internet cáp quang băng rộng để gửi, nhận văn bản điện tử có chữ ký số; cung cấp dịch vụ hành chính công tích hợp một cửa điện tử, sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Song việc dịch chuyển mọi hoạt động từ thủ công lên môi trường mạng bên cạnh sự nhanh chóng, thuận tiện cũng đang đặt ra hàng loạt thách thức, rủi ro về vấn đề ATTT.

    Để đảm bảo ATTT trên môi trường mạng, các cấp, ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, bảo đảm ATTT cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trên địa  bàn tỉnh. Từ năm 2023 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 11 lớp đào tạo, tập huấn về ATTT với hơn 550 lượt người tham gia; cử 5 lượt cán bộ tham gia các đợt diễn tập, tập huấn về ATTT do Trung ương tổ chức.
     

    Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin trên mạng xã hội và quá trình chuyển đổi số.

    UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh tập huấn về ATTT cho cán bộ, công chức, viên chức, người sử dụng lao động và người lao động. Tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến cần đảm bảo bí mật các thông tin cá nhân khi thực hiện giao dịch. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị từ cấp xã đến huyện đã cài đặt phần mềm chống mã độc trên máy tính, tăng cường bảo mật khi sử dụng các phần mềm dùng chung.

    Bên cạnh hệ thống thiết bị, phần mềm, tỉnh cũng xác định tầm quan trọng của đội ngũ nhân lực đảm nhận nhiệm vụ quản lý, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin. Hiện nay tỉnh đã thành lập Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng, thường xuyên hỗ trợ, quét vi rút website cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Liên kết, phối hợp với các Đội ứng cứu sự cố mạng máy tính của các tỉnh, thành phố khác nhằm ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố máy tính, mạng máy tính, mạng internet dưới sự điều phối của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam. Tổ chức, phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị đảm bảo ATTT trong ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức ứng cứu sự cố mạng máy tính, mạng internet trên địa bàn tỉnh.

    Hiện nay, Trung tâm giám sát, điều hành, an toàn, an ninh mạng (SOC) tỉnh đang vận hành theo mô hình 4 lớp. Trung tâm SOC của tỉnh kết nối, chia sẻ thông tin giám sát ATTT với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia. Đến nay, 100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện triển khai đầu tư hệ thống đảm bảo ATTT mạng (firewall); 100% cơ quan Nhà nước các cấp triển khai giải pháp phòng, chống mã độc tập trung toàn tỉnh; thực hiện giám sát cho 4.357 máy tính của cán bộ công chức, viên chức thông qua hệ thống phần mềm phòng, chống mã độc tập trung.

    Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) giám sát hoạt động thông tin thông qua Trung tâm Điều hành thông minh.

    Quá trình theo dõi, giám sát công tác đảm bảo ATTT từ năm 2023 đến nay hệ thống phát hiện và xử lý, ngăn chặn gần 6.000 lỗ hổng phần mềm, 1.622 kết nối nguy hiểm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm trên môi trường mạng nhằm phòng ngừa tối đa các hiện tượng đăng tải thông tin giả; giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp khác. Hoặc các hành vi lợi dụng môi trường mạng để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xúc phạm danh dự cá nhân, uy tín của tổ chức.

    Lực lượng Công an tỉnh hướng dẫn, tuyên truyền đến bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh về tiện ích chuyển đổi số.

    Trước những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro về ATTT, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành thời gian tới tiếp tục triển khai giải pháp phòng, chống mã độc tập trung toàn tỉnh theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ đối với hệ thống thông tin dùng chung. Quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện khoa học kỹ thuật để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATTT cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức để xử lý, ứng phó với các tình huống cơ bản về ATTT trong hoạt động của đơn vị, địa phương.

  • Tác giả: Bài, ảnh: Quốc Huy
  • Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
  • © 2021 CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập:
    Thiết kế bởi: - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Chứng nhận tín nhiệm mạng